Kể Cho Tôi Nghe Một Câu Chuyện

Kể Cho Tôi Nghe Một Câu Chuyện

Trẻ nhỏ rất thích nghe kể chuyện. Việc kể chuyện bé nghe mỗi đêm đem đến cho bé nhiều lợi ích. Vì vậy, bạn hãy bổ sung 20 mẫu truyện thiếu nhi để kể chuyện cho bé ngủ để tuổi thơ của con có thêm nhiều màu sắc.

Truyện cổ tích cho bé: Người thợ săn và những chú chim bồ câu

Ở ngoài một ngôi làng nọ, có một cây đa rất lớn. Phía trên cây, có nhiều loại chim khác nhau làm tổ. Còn dưới những tán lá, khách bộ hành thường ngồi lại nghỉ ngơi sau khi đi một chặng đường dài. Một ngày nọ, có một người thợ săn đến khu vực này và nhìn thấy trên cây có rất nhiều chim. Anh ta tìm cách đặt bẫy những chú chim này, nhưng một con quạ đã biết được điều đó và cảnh báo cho những con chim khác.

Đúng lúc này, có một đàn chim bồ câu đang bay gần đó. Chúng nhìn thấy có rất nhiều hạt thóc nên đã sà xuống ăn. Chẳng mấy chốc, chúng bị mắc kẹt trong chiếc lưới của người thợ săn. Dù rất sợ hãi nhưng con chim đầu đàn đã nghĩ ra một kế hoạch. Nó bảo với cả đàn: “Trong khi người thợ săn chưa quay về, chúng ta hãy hợp lực lại để mổ rách chiếc lưới này. Sau đó, một con sẽ thoát ra và tìm kiếm sự giúp đỡ”.

Các chú chim bồ câu đều đồng lòng, hợp sức lại để cắn rách chiếc lưới. Khi chiếc lưới đã rách, con chim đầu đàn nhanh chóng bay khỏi chỗ đó. Nó nghĩ: “Bây giờ mình phải bay đến nhà chuột để nhờ các bạn ấy cắn rách chiếc lưới”.

Nghĩ sao làm vậy, chú đã bay thẳng đến chỗ của chuột nhờ giúp đỡ. Chẳng bao lâu, cả đàn chuột kéo đến và cắn chiếc lưới rách tan tành. Đàn bồ câu liền bay vút lên trời cao.

Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Đoàn kết là sức mạnh vô địch. Để dạy các con về ý nghĩa cao đẹp này, bố mẹ nên thường xuyên kể truyện này cho bé nghe nhé!

Kể chuyện bé nghe: Chén canh hẹ và tấm lòng hiếu thảo

Ngày xưa, có một người con rất có hiếu nhưng không may mắc tội oan, bị giam vào tù không cho ai thăm hỏi. Một ngày nọ, người mẹ nấu canh hẹ nhờ chủ ngục đưa hộ vào cho người con.

Trong tù, người con nhận được chén canh hẹ mà không ăn, chỉ bật khóc nức nở. Chủ ngục thấy vậy bèn hỏi lý do vì sao anh không ăn mà lại ngồi khóc. Người con trả lời:

– Tôi còn mẹ già ở nhà. Mẹ tôi mỗi khi nấu canh hẹ thường lấy thước đo từng tấc để món canh trông bắt mắt. Nay tôi nhìn thấy chén canh hẹ này, tôi biết rằng mẹ tôi đã phải thức khuya dậy sớm đo từng cọng hẹ để nấu canh cho tôi, rồi phải lặn lội từ nhà đến tận đây để mang canh cho tôi ăn và thăm tôi, mà tôi lại không được ra thăm mẹ. Trong lòng tôi xót thương mẹ sao ăn cho đặng.

Chủ ngục nghe thấy bèn thương tình, trình lên cho quan chuyện vừa xảy ra. Quan thiết nghĩ, một người có hiếu như vậy há chăng lại làm điều phạm pháp? Thế là, quan cho xét lại án, thì đúng thật là người con đã bị oan, nên được thả ra. Hai mẹ con được sum vầy hạnh phúc.

Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Đó là nét đạo đức làm nên con người tốt đẹp. Ngoài ra, cần xem xét lại những quyết định của bản thân; để đánh giá và nhìn nhận đúng bản chất con người, sự vật, sự việc xung quanh.

Kể chuyện bé nghe: Câu chuyện dê và cáo

Trong một khu rừng nọ, có một con sư tử rất hung bạo, sống trong một cái hang lớn và chứa nhiều thức ăn. Một hôm, con sư tử đi ra khỏi hang. Nhân lúc đó, một con cáo đã lẻn vào và ăn tất cả thức ăn có trong hang. Con cáo nghĩ: “Ước gì ngày nào mình cũng được ăn uống no say như thế này”.

Sau khi đánh chén no nê, cáo đi dạo xung quanh và tận hưởng cảm giác lâng lâng khi mới ăn một bữa ngon lành. Đột nhiên, con cáo bất ngờ té xuống. Khi hoàn hồn lại, con cáo phát hiện ra rằng mình đã rơi xuống một cái giếng sâu nhưng không có nhiều nước.

Lúc đầu, cáo rất tức giận với bản thân và tự trách tại sao mình lại không cẩn thận như vậy. Sau đó, nó cố gắng leo ra ngoài nhưng không thành công. Bỗng nhiên, cáo nghe thấy một giọng nói từ trên vọng xuống: “Cậu đang làm gì ở đó vậy?”. Cáo ngước lên nhìn và nhận ra rằng đó là con dê. Mừng quá, cáo nói: “Cậu biết không, tớ ở làng kế bên nhưng đang gặp hạn hán. Do đó, tớ phải nhảy xuống đây để lấy nước uống”.

Nghe vậy, dê nhảy xuống giếng ngay lập tức. Lợi dụng điều đó, cáo đã nhanh chóng dựa vào những cái sừng dài của dê để leo lên khỏi giếng. Cáo quay lại nói: “Cậu thật ngốc. Nếu có hạn hán, thì những con chim đã thông báo với muông thú trong rừng rồi”.

Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Không bao giờ tin tưởng ai đó một cách mù quáng.

Kể chuyện bé nghe: Con lừa khôn ngoan

Đây hẳn là câu chuyện hay mà bố mẹ không nên bỏ qua trong những buổi kể truyện cho bé nghe. Một con lừa đang vui vẻ ăn cỏ trên một ngọn đồi mà không hề hay biết rằng có một con sói đang rình nó. Khi con lừa ăn xong và ngẩng đầu lên, nó ngỡ ngàng nhận ra con sói đang đứng nhìn mình. Con lừa biết rằng mình phải suy nghĩ nhanh nếu muốn tự cứu lấy bản thân. Nó bắt đầu hét lên như thể mình đang bị thương rất nặng. Nghe tiếng hét, con sói không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên nó đã tiến lại gần và hỏi:

– Một cái gai đâm vào chân tôi, anh có thể giúp tôi lấy nó ra được không?

– À, tại vì điều này có lợi cho anh. Cái gai rất nhọn. Nếu anh ăn thịt tôi, cái gai sẽ bị kẹt trong cổ họng của anh đấy.

Nghe cũng có lý, sói chạy lại định giúp con lừa lấy cái gai ra. Tuy nhiên, khi sói đến gần, con lừa đấm cho con sói mấy cái và nhanh chân chạy trốn. Con sói bị choáng váng và không kịp nhận ra chuyện gì nữa. Sau khi bình tĩnh lại, sói nhận thấy rằng mình bị mất vài cái răng. Sói cảm thấy vô cùng xấu hổ và thầm nguyền rủa về sự ngu ngốc của mình.

Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Khi gặp tình huống khó khăn, con hãy bình tĩnh dùng trí khôn của mình để vượt qua. Bên cạnh đó, con đừng bao giờ chỉ biết nghe người khác mà hãy dùng não để phán đoán.

Kể chuyện bé nghe: Chú thỏ thông minh

Để giấc ngủ của con được lấp đầy bởi những giấc mơ đẹp, mẹ hãy dùng giọng kể truyền cảm để đọc truyện cho bé nghe về câu chuyện chú thỏ thông minh sau đây:

Trong một khu rừng nọ, thỏ con và mẹ sống cùng nhau rất vui vẻ. Mỗi ngày, chú thỏ con đều chạy ra bờ sông để uống nước. Cứ mỗi lần trước khi thỏ con đi, thỏ mẹ đều nhắc nhở:

– Con đi cẩn thận nhé, hãy chú ý xung quanh, vì cáo cũng thường ra sông dạo chơi lắm đấy!

Một ngày kia, thỏ con vừa ra bờ sông, mới cúi xuống mặt sông để uống nước thì thỏ con bất ngờ nhìn thấy cáo. Thỏ con rất lo lắng, nhưng cáo lại ra vẻ rất thân thiện chào hỏi thỏ con:

– Chào thỏ con, hãy lên lưng anh, anh cõng thỏ con vào rừng ngắm hoa, hái nấm nào!

Trước lời mời gọi thân mật đó, thỏ con lo sợ nhưng vẫn nhớ lời mẹ dặn, nhanh trí nghĩ ra một mẹo hay. Thế là, thỏ con trả lời cáo:

– Thế thì thích quá anh cáo ơi. Anh chờ em về nhà lấy nón đội che nắng đã nhé!

Vừa dứt lời, thỏ con chạy nhanh về nhà rồi kể cho thỏ mẹ nghe câu chuyện vừa gặp cáo bên bờ sông. Thỏ mẹ ôm thỏ con vào lòng, vừa xoa đầu vừa khen thỏ con nhanh trí, thông minh.

Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Trong bất kỳ tình huống căng thẳng nào, con đều phải bình tĩnh. Việc rèn luyện sự nhanh trí hàng ngày sẽ giúp ích rất nhiều trong tương lai, hỗ trợ con giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.